Bởi vì thấu hiểu cho nên từ bi
Phan_7
Cho dù là cơ hội ngẫu nhiên hay là trùng hợp, thì tóm lại văn chương của Trương Ái Linh đã thực sự được thời đại công nhận. Cây bút mới của văn đàn này, tựa như một nụ hoa kỳ lạ, bắt đầu bung nở trên Bến Thượng Hải hỗn loạn. Tiếp theo, cô bắt đầu viết cuốn Chinese life and Fashion cho tạp chí Thế kỷ 20 do người Đức mở. Cực kỳ choáng váng trước sức chấn động của áng văn phi phàm này, tổng biên tập Metternich tuyên bố rằng: “Cô có khả năng thuyết minh về người Trung Quốc cho người nước ngoài hiểu”, và ngợi khen Trương Ái Linh là “thiên tài trẻ có tiền đồ rộng mở”.
Thành công lớn đến một cách đột ngột, vô cùng bất ngờ như thế, khiến cô vui mừng đến mức không thể diễn đạt bằng lời, cho dù đằng sau sự phồn hoa này, ẩn chứa rất nhiều gian khổ mà ít người biết được. Sau này, trong Đồng ngôn vô kỵ, Trương Ái Linh viết: “Tuy rằng khổ cực một chút, tôi vẫn yêu nghề của tôi”. Sáng tác là một quá trình kéo dài và gian khổ, chỉ có không ngừng tích lũy kinh nghiệm, mới có thể thu hoạch được thành công. Giống như một vở kịch, rất nhiều người chỉ xem những cảnh huyên náo, phồn hoa khua chiêng gõ trống, mà không biết sau tấm rèm sân khấu, những kép hát đó đã phải dốc tâm huyết ra sao.
Từ đây, sáng tác đã trở thành nghề nghiệp của Trương Ái Linh, đi theo cô cả cuộc đời. Nghề nghiệp này cô đơn, bởi vì không cần giao thiệp với con người, nghề nghiệp này đúng như mong ước của cô, một mình ngồi dưới bóng đèn yên tĩnh, lặng lẽ viết. Những việc Trương Ái Linh đã quyết làm, thì sẽ không thay đổi. Cô thôi học, không cần tấm bằng mỏng manh đó nữa, với khả năng xuất chúng, đối với hết thảy mọi điều trên thế gian này, cô đã sớm thấu hiểu sâu sắc.
Trương Ái Linh thậm xưng: “Tôi sinh ra là để viết tiểu thuyết”. Có lẽ sứ mệnh của cô khi đến nhân gian đúng là sống vì văn chương. Cô của khi ấy mới hai mươi tuổi. Dù đã từng kinh qua dâu bể chìm nổi, nhưng cuộc đời của cô còn chưa thực sự bắt đầu. Nếu nói về kinh nghiệm tình cảm, trải nghiệm tang thương, thì cô vẫn còn chưa có đủ. Nhưng một thiên tài, dường như có thể được miễn bỏ rất nhiều quá trình phức tạp, cô có ưu thế làm ít lợi nhiều so với những người bình thường khác.
Có lẽ câu từ do một người chưa từng nếm tận trăm vị, nhìn hết gió sương viết ra, lại càng uyển chuyển hơn. Ngược lại, một người đi hết cả muôn nước nghìn non, chỉ để lại tuổi già tản mát và trà lạnh lời cạn mà thôi. Trương Ái Linh là một cô gái cực kỳ nhạy cảm, cô có thể biến những chuyện vụn vặt của đời sống thành đề tài của tiểu thuyết một cách cực kỳ khéo léo. Gia tộc đã từng thịnh vượng rồi lụn bại của cô, và cả những người cô đã từng gặp trong cuộc đời, đều trở thành suối nguồn bất tận cho cô sáng tác.
Đối với rất nhiều người, thời điểm đầu năm 1943 vẫn là tiết xuân lạnh lẽo. Nhưng thế giới của Trương Ái Linh lại là trăm hoa đua nở. Cô là một người cực kỳ tinh tế tỉ mỉ, nghiên cứu và tạo ra thị hiếu của những người thị dân bình thường. Cô biết, những người cư trú ở Bến Thượng hải này thích đọc loại văn chương gì; cô biết, dưới ánh nắng mặt trời kia không có thứ gì là không rực rỡ và tươi mới. Thế nhưng, những chuyện cũ đó, rơi rớt lại trong góc nhỏ của lịch sử, có bao nhiêu người bằng lòng khai quật? Mà Trương Ái Linh là một người sưu tầm, sắp xếp, biên soạn những câu chuyện này, bày trên mặt bàn của năm tháng, để cho chúng sinh cùng đọc.
Chương mở đầu tiểu thuyết Vụn trầm hương, cô viết: “Xin bạn hãy tìm một chiếc lư hương bằng đồng gia truyền loang lổ gỉ xanh, châm một nén trầm hương, nghe tôi kể một câu chuyện Hương Cảng trước lúc chiến tranh. Bạn đốt xong nén trầm hương này, câu chuyện của tôi cũng kết thúc”. Phong cách độc đáo như thế, câu chuyện còn chưa bắt đàu, đã thu hút độc giả. Làn khói trầm hương lượn vòng ấy, khiến biết bao độc giả hồn say trong mộng.
Về sau, những sáng tác của Trương Ái Linh như hoa trĩu cành, liên tiếp bừng nở. Những truyện ngắn đã được đăng báo của cô gồm có Mối tình khuynh thành, Cái gông vàng, Ngói lưu ly, Phong tỏa, Hoa hồng nhung và hoa hồng bạch…, tản văn có Tản kịch, Canh y ký, Tẫn dư lục, Viêm Anh ngữ lục… Rất khó để tin rằng, chỉ trong một thời gian ngắn, Trương Ái Linh đã sáng tác ra rất nhiều áng văn kỳ diệu đến thế. Văn chương của cô giúp những con người đắm chìm trong nỗi sầu muộn tìm được một nơi để gửi gắm. Đúng như Kha Linh đã nói: “Trương Ái Linh đã mau chóng lên đỉnh cao chói lọi trên con đường sáng tác, trong chớp mắt đã nổi tiếng khắp Thượng Hải”.
Đây chính là Trương Ái Linh thiên tài. Tài năng của cô giống như một dòng sông băng bị nứt vỡ, trong giây phút nào đó, ào ào tuôn chảy, vượt muôn nghìn dặm. Phật nói, phổ độ chúng sinh. Phương thức độ cho người của mỗi người đều khác nhau, và phương thức của người đọc độ hóa cũng không giống nhau. Trương Ái Linh dùng văn chương để độ hóa cho người, đồng thời cũng là độ hóa cho chính mình. Đây chính là siêu độ về mặt tư tưởng, cũng là sự cứu rỗi cho vô vàn linh hồn cô đơn.
Trong văn chương của Trương Ái Linh, thường phát ra tiếng thở dài thấu tận tim gan. Rất nhiều người cho rằng, cô là một người già lão luyện nhân tình, nhưng không biết rằng, cô mới chỉ đang ở cái tuổi thanh xuân phơi phới. Truyện ngắn Mối tình khuynh thành của cô đã làm rung động muôn vàn độc giả. “Anh chẳng qua chỉ là người đàn ông ích kỷ, cô chẳng qua chỉ là người đàn bà ích kỷ. Trong thời đại chiến tranh loạn lạc này, không có nơi nào dung túng cho những kẻ theo chủ nghĩa cá nhân, nhưng dầu sao cũng có chỗ dung thân cho đôi vợ chồng bình thường này”.
Hoa hồng nhung và hoa hồng bạch của cô lại kể hết nỗi lòng tâm sự của biết bao người: “Lấy được đóa hồng nhung, lầu dần, sắc đỏ sẽ biến thành vệt máu muỗi trên tường, sắc trắng vẫn mãi là ‘đầu giường ánh trăng sáng’; lấy được đóa hồng bạch, màu trắng sẽ thành hạt cơm dính trên quần áo, màu đỏ lại là vệt dấu yêu thương thắm đỏ trong tim”. (Trần Trúc Ly dịch)
Bấy giờ, Trương Ái Linh đã sớm thoát ly khỏi cái vầng hào quang tuyệt đẹp sau gia tộc đó, cô trở thành một thị dân tự kiếm cơm ăn, hưởng thụ sự ấm áp và nhàn nhã mà mình tự mang lại. Cô để văn chương đi tới nơi sâu nhất của hồng trần, còn trong cuộc sống thực lại bắt đầu giữ khoảng cách với mọi người. Cho nên, dù văn chương của Trương Ái Linh khiến người ta nếm trải được mùi vị khói lửa, nhưng cô lại đem đến cho độc giả một cảm giác mỹ nhân thần bí như hoa cách một làn mây. Không ai có thể trực tiếp nhìn thẳng vào nội tâm của cô, bạn ngỡ rằng đi dạo trong lòng người, nhất định sẽ có một người là cô, nhưng thực ra người ấy lại xa xôi tới mức không thể nào với kịp.
Trương Ái Linh dùng phong thái cao ngạo cô độc cách biệt thế gian để đứng riêng một mình trên đỉnh cao của văn đàn Thượng Hải. Trong dòng Ngân Hà tịch liêu, cô là một vầng trăng, kiêu hãnh và cô độc tỏa sáng giữa vạn vì sao. Trên văn đàn đương thời, còn có mấy nữ tác gia cũng là những vì sao sáng chói, đó chính là Tô Thanh, Phan Liễu Đại và Quan Lộ. Họ được phong làm “Văn đàn tứ đại tài nữ”, phổ biến khắp Bến Thượng Hải. Trong mấy tài nữ này, Trương Ái Linh thích nhất Tô Thanh. Cô từng nói, trong các nữ tác gia cổ đại thích nhất Lý Thanh Chiếu, cận đại thích nhất Tô Thanh. Bởi Tô Thanh có thể nắm bắt một cách vững vàng những điểm thú vị của cuộc sống, đặc điểm của Tô Thanh là “đơn thuần trong vĩ đại”, có thể viết những chuyện phổ thông nhất thành những câu chuyện rung động lòng người. Và Tô Thanh cũng rất thích Trương Ái Linh, cô ấy nói: “Tôi đọc tác phẩm của Trương Ái Linh, thấy có một sức hút lạ lùng, không đọc ngấu nghiến không được. Đọc tiếp giống như nghe một khúc nhạc thê lương u uẩn, cho dù chỉ là trích đoạn nhưng cũng đủ rung động cõi lòng…”.
Bài viết Tôi đọc Tô Thanh của Trương Ái Linh giúp chúng ta nhìn thấy một Tô Thanh vô cùng chân thực, sinh động trong con mắt và tâm trí của Trương Ái Linh. Đoạn kết của bài văn đó, đến nay đọc lại, vẫn còn ý vị sâu xa như cũ. “Cô ấy đi rồi, còn một mình tôi đứng trên lan can trong bóng hoàng hôn, bất chợt nhìn thấy một tòa nhà cao tầng từ phía xa. Trên đường bên cạnh còn điểm một khối màu đỏ như son, còn tưởng là đường viền phản quang của vầng mặt trời lặn trên cửa sổ kính, nhìn lại lần nữa, lại là vầng trăng đêm Nguyên Tiêu, nhô lên đỏ ối. Tôi thầm nghĩ: ‘Đây là thời loạn…’, tôi nghĩ đến số phận của rất nhiều người, gồm cả tôi trong số đó; có cảm giác cuộc đời đau thương. Sự bình yên của tương lai chẳng thuộc về chúng ta, chúng ta chỉ có thể tự mình đi tìm sự bình yên cho riêng mình”.
Kỳ thực, họ đều là những cánh bèo trôi dạt giữa nhân gian, dẫu đang ở những tháng năm tuổi hoa, có được chỗ dừng chân tạm thời, nhưng cuối cùng, rốt cuộc cũng không vượt qua nổi sự bày bố của vận mệnh, hết thảy tương lai, đều không thể biết được.
Khi vinh quang nườm nượp kéo đến, Trương Ái Linh lại thường một mình nhấm nháp mùi vị của tịch liêu dưới ánh trăng yên tĩnh. Có lẽ chúng ta đều rất muốn biết, nhà văn viết ra hết thảy những chuyện tình nam nữ thế gian này, rốt cuộc đến bao giờ mới có thể gặp được một mối tình thuộc về riêng mình? Nhiều năm như thế, cánh cửa lòng cô, rốt cuộc khép hờ vì ai?
Ngả đường duyên phận
Tôi muốn bạn biết rằng, trên thế giới này luôn có một người đợi chờ bạn, bất kể lúc nào, bất kể nơi đâu, thì bạn vẫn biết, luôn có một người như thế.
(Trương Ái Linh ngữ lục)
Đúng vậy, chúng ta phải tin rằng, trên thế giới này, luôn có một người đang đợi mình. Người này, có lẽ đang ở bờ sông cỏ lau xanh rì, cũng có lẽ đang trong ngõ mưa hun hút của Giang Nam, hoặc có lẽ đang trên cây cầu vội vã xây mộng. Cho dù bao năm, đều phải tin rằng, anh ấy sẽ luôn đợi bạn ở ngả đường duyên phận mà bạn buộc phải đi qua. Có lẽ anh ấy sẽ không vì bạn mà chết, nhưng chắc chắn anh ấy sẽ vì bạn mà sống. Xin hãy nhớ, bạn không đến, anh ấy không đi.
Nếu nói ái tình là một số kiếp, vậy thì mỗi người đều phải trải qua hết kiếp số, mới có thể tái sinh. Cái năm Trương Ái Linh gặp phải tình kiếp đó, cô hai mươi bốn tuổi. Không được coi là sớm, nhưng cũng không hẳn là muộn. Người đàn ông này, khiến Trương Ái Linh cao ngạo cô độc nguyện thấp hèn như bụi trần, vì anh mà nở hoa. Người đàn ông này, khiến Trương Ái Linh nguyện đứng riêng một cõi giữa đất trời, quay người một cách diễm lệ, tự mình tàn úa. Người đàn ông này, khiến Trương Ái Linh quyết liệt vứt bỏ tất cả, rong ruổi chân trời, xa bầy lẻ bạn, cô độc đến già.
Anh là Hồ Lan Thành, một cái tên không quá sáng chói, nhưng cũng nổi danh trong thời loạn thế Dân Quốc. Một người thưởng hoa vô tình lại khiến muôn hoa đố kỵ, gió xuân thất sắc. Một hạt bụi trần nhỏ nhoi đến độ không hay tung tích, đi không biết về đâu. Một văn nhân cuồng ngạo tự phụ, một tên Hán gian ôm đĩ rong chơi. Chỉ như thế mà thôi.
Nếu như không phải thời loạn thế Dân Quốc, có lẽ Hồ Lan Thành đã có một cách sống khác. Có lẽ anh sẽ tuân theo quy củ, trở thành một người đàn ông bình thường, một lòng một dạ với người vợ hiền thục, sống một cuộc đời tĩnh lặng, một kiếp bình yên. Nhưng anh đã được định mệnh sắp đặt trở thành một người đàn ông, phải sống một cách phóng túng buông thả như thế trong thời loạn. Dù thế nào, là thành hay bại, là vua hay giặc, đều sống theo ý mình. Dẫu thân bại danh liệt, dẫu không có thứ gì, cũng không hề oán hận.
Hồ Lan Thành cũng được coi là một nhân vật. Nhân vật như thế, lại không hề dễ thấy trong dòng chảy của lịch sử. Tuy anh không chính trực, nhưng cũng không nhu nhược; tuy anh không chung thủy, nhưng cũng không thiếu tình nghĩa; tuy anh không từ bi, nhưng cũng không lạnh lùng. Một nhân vật như thế, thực sự không đủ hoàn mỹ, không đủ quang minh, không đủ đáng yêu. Đàn ông thời Dân Quốc nhiều như đốm lửa, tại sao chỉ có đốm lửa này chiếu sáng cho Trương Ái Linh. Mây trôi trên bầu trời Dân Quốc có vô số đám, tại sao chỉ có một đám này gặp gỡ được Trương Ái Linh?
Hẳn là tu luyện bao nhiêu năm, ngoái đầu nhìn lại bao nhiêu lần, bao nhiêu duyên phận, mới có được mối tình như thế. Dẫu vui mừng kinh ngạc vì cuộc gặp gỡ này, nhưng Hồ Lan Thành không phải sinh ra vì Trương Ái Linh. Dù cũng muốn cùng tài nữ Dân Quốc này ngắm hết sông dài suối nhỏ, nhưng anh không làm được. Cho nên, anh chỉ có thể phụ cô, bỏ lỡ hoa xuân, để phụ trăng thu. Phật nói, hồng nhan bạch cốt đều là hư vọng, trúc biếc xanh xanh đều là pháp thân, hoa vàng dợn dợn chẳng gì chẳng là Bát Nhã[1].
[1] Trích trong Đại Châu Huệ Hải Thiền sư ngữ lục, nguyên văn: “Thanh thanh thúy trúc tận thị chân như, uất uất hoàng hoa vô phi Bát Nhã”, ý chỉ chân ý của Thiền không ở đâu xa, mà ở trong từng cảnh vật như trúc biếc hoa vàng.
Có thể nói, so với Trương Ái Linh, thân thế của Hồ Lan Thành khác biệt một trời một vực. Anh sinh ra ở thôn Hồ, làng Hạ Bác, huyện Thặng, tỉnh Chiết Giang, tên hồi nhỏ là Nhị Sinh. Nghe nói ông nội của Hồ Lan Thành – Hồ Tái Nguyên – từng là một ông chủ quán trà, cũng được coi là phú ông của vùng đó, nhưng cha là Hồ Tú Minh kế thừa gia sản, lại vô duyên vô cớ ngày càng lụn bại, đến nỗi trở thành một nông dân bình thường. Hồ Lan Thành từ nhỏ đã thích đọc sách nhưng vì gia cảnh nghèo khó, mà để lỡ rất nhiều cơ duyên tốt.
Vốn dĩ anh có thể an phận thủ thường dạy học ở thôn quê, cùng người vợ bình thường của mình, sống cuộc sống trà thô cơm nhạt. Nhưng thân trong thời loạn, tài cao khí ngạo, không cam tâm ở chốn quê mùa, thế là anh bắt đầu bước đi trên con đường cầu học cảu cuộc đời. Năm hai mươi mốt tuổi, Hồ Lan Thành đến Bắc Bình, vì viết thư pháp khá đẹp, nên anh đã đảm nhận công việc sao chép văn thư ở phòng phó hiệu trưởng của trường Đại học Yên Kinh. Sau về Chiết Giang, anh lại đảm nhiệm dạy học tại vài trường chuyên, cuộc sống thanh bần, nhưng cũng tạm coi là yên ổn.
Nếu không phải người vợ kết tóc se tơ Ngọc Phượng đột ngột mắc bệnh qua đời, vì không có tiền an táng cho vợ, anh phải chạy vạy khắp nơi vay tiền, chịu đủ mọi sự lạnh nhạt và coi thường, thì có lẽ Hồ Lan Thành sẽ không thay đổi. Cũng có thể, đây chỉ là một cái cớ. Bản tính của anh vốn là như vậy, xông vào chính trị phức tạp, rơi xuống biển tình cuồn cuộn, là việc tất nhiên trong cuộc đời của anh.
Sau này, Hồ Lan Thành từng nói một câu vô cùng lạnh lùng: “Trước những tai nạn trời long đất lở, trước những việc cắt đứt ân tình, yêu đương trắc trở của nhân thế, nếu đời tôi rơi một giọt nước mắt, là điều không thể. Tôi khóc lớn thuở còn thơ đều là khóc trả cho mẹ, khóc to ở tuổi trưởng thành đều là khóc trả cho Ngọc Phượng, trái tim này đã trở lại trạng thái nhẫn tâm như trời đất!”.
Đoạn tuyệt dứt khoát như thế, giống như một thanh kiếm sắc lóe lên hàn quang, chưa cần rút ra, đã đâm thấu tim phổi. Không hiểu sao Trương Ái Linh lại yêu người đàn ông như vậy. Khi họ quen nhau, Hồ Lan Thành rõ ràng là một quân tử lịch thiệp phong lưu đa tình. Ai ngờ rằng, con người gặp được trong ngàn vạn người này, lại sẽ bạc tình phụ nghĩa đến thế. Không phải là lỗi của Trương Ái Linh, chỉ trách số mệnh cô đen đủi, tương phùng ngõ hẹp với Hồ Lan Thành, tất cả tình cảm đều bị anh ta cướp sạch sành sanh, không chừa cho đường lùi.
Sau khi người vợ đầu chết, Hồ Lan Thành buộc phải tìm việc ở khắp mọi nơi, lòng vòng qua mấy thành phố, bắt đầu lấy việc dạy học làm sinh kế. Nhưng Hồ Lan Thành của lúc đó tính tình nóng vội, không thể nào nhẫn nhịn chịu đựng cuộc sống nghèo khó. Anh không cam tâm chỉ là một anh giáo, sống tạm bợ qua ngày qua tháng. Trương Ái Linh từng nói một câu như thế này: “Dạy học rất khó – vừa phải diễn kịch, vừa phải làm người”. Anh vẫn luôn chờ thời cơ, chờ một ngày có thể mượn gió Đông, bay thẳng lên tần mây xanh. Thời gian này, anh lấy người vợ là Toàn Tuệ Văn.
Thời loạn biến động, quả nhiên đã mang đến cơ hội bất ngờ cho Hồ Lan Thành. Năm 1936, nhận lời mời của quân đoàn trưởng đoàn bảy Liệu Lỗi, Hồ Lan Thành kiêm nhiệm Hàng Châu nhật báo, tuyên truyền cho việc kháng chiến chống Nhật phải kết hợp với việc khởi binh trong nhân dân. Tháng năm, cuộc binh biến Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) nổ ra rồi mau chóng thất bại, anh bị bộ tổng tư lệnh của tập quân đoàn[2] số bốn giam giữ ba mươi ba ngày.
[2] Một cấp biên chế của quân đội, bao gồm một hoặc nhiều sư đoàn.
Một cơ hội lớn hơn đã đến với Hồ Lan Thành. Năm 1937, anh được Trung Hoa nhật báo mời làm chủ bút, lên đường đến Thượng Hải. Đầu năm sau, anh lại bị điều đến Hương Cảng nhậm chức chủ bút của tờ Nam Hoa nhật báo. Hồ Lan Thành bấy giờ đã trở thành một tướng văn có thực lực dưới trướng của Uông Tinh Vệ, nhưng chuyện cũ ảm đạm đó, đã sớm trở thành quá khứ mà anh không muốn nhắc lại.
Khi đến Hương Cảng, phu nhân của Uông Tĩnh Vệ là Trầm Bích Quân cảm thấy Hồ Lan Thành là một nhân tài, đã tự tặng thêm ba trăm sáu mươi Cảng tệ vào tiền lương của anh, ngoài ra còn bí mật tặng thêm hai nghìn đồng. Sau việc này, địa vị của Hồ Lan Thành từng bước được nâng cao. Anh rời Hương Cảng quay về Thượng Hải, nhậm chức tổng biên tập của tờ Trung Hoa nhật báo. Sau vài năm, vận đỏ của Hồ Lan Thành liên tiếp đến dồn dập, không gì cản nổi.
Hoạn lộ chìm nổi, họa phúc khó lường. Dần dần, Hồ Lan Thành tài cao khí ngạo bị Uông Tinh Vệ xa lánh. Đã quen với cuộc sống muôn sao chầu nguyệt, Hồ Lan Thành sao có thể chịu đựng được dù chỉ là một chút lạnh nhạt. Anh kết giao với quan viên của sứ quán Nhật Bản Ikeda Atsunori, sau đó bị Uông Tinh Vệ hạ lệnh bắt giam, phải đến khi người Nhật can thiệp mới được thả ra.
Sau khi ra tù, Hồ Lan Thành coi như đã vẫy tay cáo biệt với đời sống chính trị huy hoàng ấy. Nhìn lại quá khứ, mọi công lao phú quý sáng rỡ như pháo hoa, dầu cho tươi đẹp, nhưng tan biến quá chóng vánh. Đến nay tỉnh lại, giống như đã mơ một giấc mộng Nam Kha[3], trong mộng lên xe xuống ngựa, ngoài mộng chẳng có thứ gì. May là, ngày tháng còn dài, người còn sống là có thể làm lại từ đầu.
[1] Giấc mộng Nam Kha: Là một thành ngữ trong tiếng Hán, bắt nguồn từ tiểu thuyết Tiểu sử Nam Kha Thái thú của tác giả Lý Công Tá đời Đường Trung Quốc. Giấc mộng Nam Kha chỉ đời người như giấc mơ, phú quý quyền thế đều chỉ là hư ảo.
Thất bại nặng nề, Hồ Lan Thành cần thời gian để chữa lành vết thương, anh về lại căn nhà ở Nam Kinh để an dưỡng. Thế nhưng, chính là lần an dưỡng này, Hồ Lan Thành đã bắt gặp cái tên Trương Ái Linh. Về sau, Trương Ái Linh đã rơi vào lưới tình do người đàn ông này dệt, bị trói buộc trong suốt bao năm. Thực ra trước đó, khi Hồ Lan Thành bị bắt giam, Trương Ái Linh đã từng cùng Tô Thanh đi đến nhà Chu Phật Hải để cầu xin cho anh. Tô Thanh khi đó, rất hâm mộ Hồ Lan Thành. Có lẽ Trương Ái Linh cũng nghe nói về Hồ Lan Thành, và cũng biết sơ sơ về tài danh của anh, nếu không, một người lạnh lùng như cô, sao có thể cùng Tô Thanh đi làm một việc như vậy.
Đó là một buổi chiều có ánh nắng mùa đông nhàn nhạt, có gió nhẹ, nhưng không lạnh. Hồ Lan Thành nhàn nhã, hững hờ lật đọc tập nguyệt san Thiên địa do một người là Phùng Hòa Nghi gửi tới. Đọc lời nói đầu của tập san trước, hóa ra Phùng Hòa Nghi chính là Tô Thanh, văn phong của cô gái này phóng khoáng lanh lợi, khiến anh cực kỳ thích thú. Đọc đến Phong tỏa của tác giả Trương Ái Linh, chỉ vỏn vẹn mấy chương nhỏ, nhưng Hồ Lan Thành cảm thấy áng văn này thật phi phàm. Đọc thật kỹ hết cả bài, anh phải đập bàn mà khen hay tuyệt. Rồi lại đọc lại lượt nữa, vẫn thấy hứng thú bất tận.
Kể từ lúc đó, Hồ Lan Thành không thể bỏ qua người có tên là Trương Ái Linh. Trước đây, Hồ Lan Thành chỉ một lòng nghĩ đến sự nghiệp chính trị, mà không hề quan tâm đến những chuyện lặt vặt văn đàn. Cho nên, anh không hề hay biết gì đến tài nữ đã sớm làm mưa làm gió ở Bến Thượng Hải này. Nếu không phải lần ngẫu nhiên này, có lẽ, họ cứ thế mà đi lướt qua nhau. Nhưng có người từng nói rằng, những người mà duyên định ba kiếp, cho dù có trốn tránh thế nào, vòng vèo ra sao, thì rốt cùng vẫn sẽ ở bên nhau.
Hồ Lan Thành bắt đầu sưu tầm tạp chí, lưu ý tất cả tác phẩm liên quan đến Trương Ái Linh. Chỉ cần là của cô viết, đều hay cả. Thậm chí anh còn khó mà tin rằng, thế gian lại có người con gái độc nhất vô nhị, có thể viết những áng văn tuyệt diệu đến vậy, khiến người ta chìm đắm, khó mà thoát ra nổi như thế. Anh càng không biết rằng, văn chương của cô khiến anh đã hoàn toàn quên đi nỗi buồn trên con đường chính trị, mà chỉ còn cảm thấy mình đang chìm trong thế giới của cô.
Đúng thế, anh chìm đắm vì người con gái mang tên Trương Ái Linh này, dù cho chìm đắm cả đời cả kiếp cũng nguyện lòng. Có lẽ, chúng ta nên tin rằng, sự khao khát nhiệt thành của Hồ Lan Thành đối với Trương Ái Linh lúc bấy giờ hoàn toàn xuất phát tự đáy lòng. Sự say đắm của anh với cô, không phải vì văn chương, mà là những tâm tư tình cảm ẩn giấu đằng sau văn chương. Anh hiểu, người con gái có thể viết ra những áng văn như thế, chắc chắn phải có một tâm hồn cao ngạo mà cô độc. Anh hiểu cô, cho nên, anh phải đi tìm cô.
Tìm được cô, nói cho cô hay, anh chính là người mà cô đợi đã nhiều năm, nhưng mãi muộn màng mới chịu xuất hiện. Anh chính là người mà cô muốn gặp trong muôn vạn người. Anh chính là người nguyện ý nắm tay cô cùng chờ đợi, yên lặng ngắm trời sao buổi sớm kia.
Rượu độc ái tình
Kết quả của tình yêu tinh thần vĩnh viễn là kết hôn, còn tình yêu thể xác luôn luôn ngừng trệ ở một giai đoạn nào đó, rất ít hy vọng tiến tới kết hôn. Tình yêu tinh thần chỉ có một khuyết điểm: Trong quá trình yêu đương, phụ nữ thường không hiểu những gì đàn ông nói.
(Trương Ái Linh ngữ lục)
Thường nói, người đang yêu tâm tính mê muội, đánh mất bản thân với tất cả lý trí, sự tự chủ vốn có. Đứng trước tình yêu, trái tim nổi loạn sẽ nảy sinh. Những linh hồn cao ngạo đó, hễ gặp phải tình yêu, cũng biến thành hèn mọn vô cùng. Chỉ cần yêu rồi, tất cả ngày tháng đều trở nên yếu mềm. Khi ấy, quên đi tên họ, quên đi tuổi tác của bản thân. Chỉ nhớ, người yêu đang ở đâu, thì ở đó chính là một kiếp bình yên.
Tình yêu là một ly rượu độc, rất nhiều người mỉm cười, không hề do dự mà uống nó. Không phải vì họ ngốc, mà là họ không thể làm chủ bản thân. Thế giới rộng lớn như thế, khách qua đường đông đúc như thế, khó khăn lắm mới gặp được một người như thế, sao có thể vứt bỏ tình yêu giữa biển người được? Những người dũng cảm theo đuổi đó, vì sao luôn luôn lo sợ đánh mất tình yêu? Những người nói vĩnh viễn không chia lìa đó, cuối cùng đều đã đi đâu về đâu?
Khi yêu, không để ý nhiều như vậy, không hỏi tương lai, không hỏi kết cục, chỉ cần hiện tại. Cứ thế không hiểu sao lại nảy sinh rất nhiều tình cảm, không hiểu sao lại muốn cùng một người thề thốt viển vông, cũng không hiểu sao vì tình êu mà có thể làm tổn thương chính mình. Khi yêu, đâu có thời gian để truy hỏi nhân quả. Nếu đúng, thì coi đó là ân sủng của tháng năm; nếu sai, thì coi đó là trò đùa của con tạo.
Xưa nay Hồ Lan Thành đều không quan tâm đến nhiều chuyện thế, người mà anh đã xác định, thì dù cách quan sơn vạn dặm, anh thề chết cũng phải theo đuổi tới cùng. Dẫu chỉ là nhân duyên ngắn ngủi, anh đều không cho phép mình bỏ lỡ. Năm 1944, tiết xuân lạnh lẽo, Hồ Lan Thành từ Nam Kinh đến Thượng Hải. Đến ban biên tập tìm Tô Thanh, chẳng chút vòng vo, anh hỏi thẳng về người con gái tên Trương Ái Linh đó. Tô Thanh đáp: “Trương Ái Linh không gặp người khác đâu”. Câu nói này, nếu người khác nghe, bất giác sẽ thấy gặp gỡ là vô vọng. Nhưng Hồ Lan Thành nghe, lại vạn phần vui mừng sửng sốt, bởi vì anh biết, người con gái này quả nhiên khác biệt.
Căn hộ số 65, tầng 6, chung cư số 192, ngõ Hurd, đường Bubbling Well. Đây là địa chỉ Hồ Lan Thành lấy được từ chỗ Tô Thanh, còn có duyên hay không, đều phải dựa vào bản thân anh. Hồ Lan Thành không những đến, mà còn đến rất gấp gáp. Ngày hôm sau, anh mặc chiếc áo dài nam màu xanh, nho nhã lịch thiệp, gõ cánh cửa đóng kín đó. Năm đó Hồ Lan Thành đã ba mươi tám tuổi, đối với một người đàn ông từng trải mà nói, đây là những năm tháng đẹp nhất. Thế nhưng, chính người đàn ông đi qua năm tháng này, lại kéo một Trương Ái Linh ưu tư lại rất gần.
Người mở cửa là người cô của Trương Ái Linh, bằng một tư thế quen thuộc vốn có, bà từ chối tất cả độc giả đến thăm Trương Ái Linh, Hồ Lan Thành cũng không phải ngoại lệ, bởi vì lúc đó, anh chỉ là một người khách xa lạ. Không đợi Hồ Lan Thành nói hết câu, cánh cửa mở ra trong khoảnh khắp đã đóng sập lại. Hồ Lan Thành quên mang theo danh thiếp, bèn vội vàng lấy ra một mẩu giấy, viết tên họ và số điện thoại của mình vào, rồi nhét qua khe cửa bé xíu. Khi quay người rời đi, Hồ Lan Thành vẫn bình thản như cũ.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian